Sản xuất Tuyệt đỉnh Kungfu

Mùa xuân năm 2002, với số vốn hơn 50 phim trong tay, Châu Tinh Trì thực sự bước lên đỉnh cao trong sự nghiệp điện ảnh của mình. Tạp chí Time Asia ca ngợi anh là ngôi sao được yêu thích nhất của châu Á. Thành công của Đội bóng Thiếu Lâm được xem là một hiện tượng với nhiều giải thưởng. Mặc dù cả hai phim đều có sự tham gia của Châu Tinh Trì trong nhiều vai trò từ viết kịch bản, diễn xuất, đạo diễn và sản xuất, nhưng Tuyệt đỉnh Kungfu đã vượt qua Đội bóng Thiếu Lâm hồi tháng 2 năm 2005 để trở thành bộ phim sản xuất tại Hồng Kông có doanh thu cao nhất ở quốc gia này. Bộ phim đã thỏa mãn ước mơ thời thơ ấu của anh, đó là trở thành một cao thủ võ lâm. Dẫu chỉ là trên màn ảnh nhưng Châu Tinh Trì đã được là một người anh hùng với tuyệt đỉnh công phu thực thụ. Ý tưởng làm một phim như Tuyệt đỉnh Kungfu xuất hiện từ ký ức thuở nhỏ, khi ấy gia đình Châu Tinh Trì không mấy khá giả nên không có đủ tiền để cho cả ba đứa trẻ đi xem phim ở Hồng Kông. Lần đầu tiên được mẹ dẫn đến rạp, niềm đam mê bắt đầu lớn dần lên trong cậu bé họ Châu khi xem một phim của Lý Tiểu Long. Mặc dù họ vào xem ở một rạp rất xập xệ nhưng Châu Tinh Trì chẳng quan tâm bởi anh bị các màn võ thuật trên màn ảnh choán hết tâm trí. Chính lúc đó, anh quyết định sau này mình sẽ theo bước chân của Lý Tiểu Long. Vì thế, khi giám đốc chi nhánh của Columbia Pictures ở Hồng Kông, Barbara Robinson, liên lạc với Châu Tinh Trì ngỏ ý muốn cộng tác thì anh nhận ra đây là cơ hội biến giấc mơ ấp ủ bấy lâu trở thành hiện thực. Khi mời được hoa khôi Huỳnh Thánh Y vào vai nữ chính, Châu Tinh Trì đã dặn đi dặn lại ekip trang điểm phải thật khéo tay để làm bật ra hình ảnh của cô nữ sinh Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, chính điều này đã đưa Thánh Y lên bầu trời sao chói lọi hào quang.

Bộ phim hành động hài này đã trở thành phim không nói tiếng Anh được phát hành rộng rãi nhất ở Mỹ. Đây là thành tích đáng ghen tị đối với nhiều đạo diễn. Nhưng điều đó hoàn toàn xứng đáng với sự nỗ lực hết mình của Châu Tinh Trì. Không chỉ hoàn thành tốt vai diễn của mình, anh còn chỉ cho mọi người cách thể hiện nhiều cảm xúc khác nhau, khiến cho những diễn viên trẻ rất cảm động. Bộ phim là sự hồi tưởng lại thời thơ ấu của Châu Tinh Trì, từ giấc mơ trở thành anh hùng cho đến khu Chuồng Heo. Cảnh được dựng ở Xa Đôn, cách Thượng Hải về phía Nam 15 dặm, rất giống khu tập thể nơi anh lớn lên từ bé từng chi tiết nhỏ. Nhà thiết kế của phim nghiên cứu rất kỹ những bức ảnh cũ để tái hiện chân thực nhất quang cảnh khu ổ chuột. Từ tấm biển hiệu cũ kỹ đến những căn nhà xập xệ, cửa hàng bán gạo, hàng cắt tóc… tất cả đều khiến Châu Tinh Trì như sống lại ngày xưa.

Nhằm tỏ lòng kính trọng Lý Tiểu Long, Châu Tinh Trì muốn có một cảnh cởi áo và diễn đúng tư thế quen thuộc của thần tượng. Để có được thân hình cường tráng phục vụ cho cảnh này, anh phải tập thể hình rất nhiều. Nhưng Châu Tinh Trì vẫn chưa thực sự ưng ý, anh cho rằng mình còn thua xa ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long. Hôm quay cảnh đó, trời lại rất lạnh khiến anh rét run. Châu Tinh Trì tâm sự: "Làm phim là thế đó, ngày nóng thì bắt mặc nhiều đồ hóa trang còn ngày lạnh thì phải cởi hết đồ".

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tuyệt đỉnh Kungfu http://www.allmovie.com/movie/v314244 http://www.boxofficemojo.com/movies/?id=kungfuhust... http://www.hkcinemagic.com/en/movie.asp?id=4074 http://hkmdb.com/db/movies/view.mhtml?id=10684 http://www.imdb.com/title/tt0373074/ http://www.metacritic.com/movie/kung-fu-hustle http://www.rottentomatoes.com/m/kung_fu_hustle/ http://www.imfdb.org/wiki/Kung_Fu_Hustle https://www.youtube.com/watch?v=-m3IB7N_PRk https://web.archive.org/web/20080602004013/http://...